
Trich dẫn từ sách: Di tích Lịch sử Văn hóa Chùa Phước Điền (Chùa Hang), Núi Sam - Châu Đốc - An Giang.
I. Thân Thế

Hòa Thượng Thích Huệ Thiện (1902-1987)
Dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40
Pháp huý Hồng Chí.
Hòa thượng Thích Huệ Thiện thế danh Nguyễn Văn Luận, sinh ngày 15 tháng 04 năm Nhâm Dần (1902) tại làng Tân Trụ, huyện Bến Tranh, tỉnh Tiền Giang. Thân phụ là cụ Nguyễn Giáp, thân mẫu là bà Phạm Thị Quyến. Hòa thượng là con thứ năm trong gia đình có 7 anh chị em.
Sinh trưởng và lớn lên trong gia đình có truyền thống Phật giáo, năm lên 7 được song thân gởi đến trường học. Năm 17 tuổi được nhà trường cho về thăm nhà, trên đường về gặp một vị Tăng với nghi dung khác người, ngôn từ vượt phàm tình, vị Tăng nói: “Cái học của thế học không giải quyết được sinh tử luân hồi, chỉ có tu Ðạo, liễu tự tâm, thấu suốt bổn tánh, thì mới chấm dứt sanh tử, thoát vòng luân hồi”. Câu nói trên đã gây ấn tượng mạnh làm cho Hòa thượng phát chí xuất trần.
Tuy lúc đó Ngài còn nhỏ tuổi, song đối với lời của vị Tăng, Ngài tỉnh ngộ sâu xa, nên quyết chí xuất gia tu đạo. Khi Ngài mang chuyện xuất gia thưa với thân mẫu, bà dạy : “Xuất gia là điều tốt, song không phải là chuyện dễ làm. Cần có thiện căn, có nguyện lực, thì mới có thể thành tựu Vô Thượng Ðạo, nay con có lòng muốn xuất gia, ta hết sức đồng ý! Song, con phải suy nghĩ cho thật kỹ trước khi xuất gia.
II. Thời Kỳ Xuất Gia Tu Học

Nhân duyên hội đủ, phát chí xuất trần năm 18 tuổi được song thân cho phép, chốn không môn Chùa Châu Long, vào ngày 08 tháng 02 năm 1920, thế phát xuất gia đầu Phật với tổ Như Hiếu, hiệu Thuần Hạnh. Được tổ ban pháp danh Huệ Thiện.
Sau 3 năm tinh cần tu học, năm 1923 được Hoà thượng bổn sư cho phép thọ tam đàn cụ túc tại trường Hương chùa Long Hưng, do Hòa thượng Bổn sư làm đàn đầu. Từ đó Hoà thượng nêu cao chí cả, nhẹ bước vân du trên đường giải thoát, bỏ ngoài ngàn dặm lòng tham ái, để lẽ huyền vi còn mãi trong tâm.
Bằng hạnh nguyện Hòa thượng quyết chí nghiêm tầm áo nghĩa khắp chốn Tòng lâm, tham học nơi tổ Chí Thiền chùa Phi Lai, Núi Voi, sau đó tham vấn thiền sư Pháp Tạng, hiệu Thập Tu. Hòa thượng tiếp ngọn đuốc tuệ của dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40, pháp huý Hồng Chí.
III. Thời Kỳ Trùng Hưng Phật Tự

Chùa Hang Núi Sam năm 1986
Với chí nguyện tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, trùng hưng Phật tự, Hòa thượng đáp lời thỉnh nguyện của Phật tử tiếp nhận chùa Hang trên sườn Núi Sam, với cảnh chùa hoang sơ rừng núi thâm u không bóng người, được biết nơi đây trong quá khứ có một vị tỳ kheo Ni thuộc dòng thiền Vân Môn, ở ẩn tu trong hang đá hơn ba mươi năm.
Di Đà Bửu Điện
Hòa thượng khởi công trùng hưng Bửu Điện, xây dựng Hậu đường, Tăng đường, Giảng đường,v.v.. Từ 1926 đến năm 1932 hoàn thành Hậu đường, xét thấy chùa chưa có tên gọi Hòa thượng đặt hiệu chùa Phước Điền (福田寺) (chùa Hang là tên của dân gian).
IV. Thời Kỳ Phụng Sự Đạo Pháp
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa thượng Lê Khánh Hòa, chủ xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, xóa nạn thất học Phật pháp cho Tăng Ni, bài trừ mê tín dị đoan, phát huy chánh tín, chánh lý trong giới Tăng Ni, Phật tử, ngoài lớp gia giáo Phật học tại chùa Phước Điền. Hòa thượng đã tổ chức định kỳ các lớp học căn bản dành cho chư Tăng các tỉnh lân cận dự học.
Năm 1959 đến năm 1986, Hòa thượng liên tục truyền trao giới pháp cho các giới tử tại chùa Phước Điền do Hòa thượng làm đàn đầu.
Suốt chặng đường sáu mươi ba năm phụng sự Đạo pháp, Hòa thượng luôn tâm niệm thực thi hành trì giới luật, dụng công tham thiền ngỏ hầu làm sáng tỏ ngọn đèn Chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai. Nhiều thế hệ Tăng Ni được Hòa thượng giáo dưỡng, nay đã trưởng thành và kế thừa mạng mạch Phật pháp, đảm nhiệm các trọng trách giáo dục và đào tạo Tăng Ni. Những ai có duyên được thân cận Hòa thượng, đều cảm nhận được cái khí vị thanh giản nhưng cẩn mật, nghiêm túc mà khiêm cung tỏa ra từ phong cách ứng xử của bậc chân tu nghiêm trì giới luật.
Bao năm thác tích chốn ta bà
Tùy duyên hóa hiện chốn mê tân
Hồng trần nhẹ gót trong phương tiện
Ứng xử tùy duyên đã phỉ nguyền
Tùy thuận đến đi không ngăn ngại.
V. Những Ngày Tháng Cuối Đời
Sau bao năm tinh cần phụng sự đạo pháp, giới đức trang nghiêm và thể nhập thiền tuệ vào đời, theo thời gian, tự thấy thân tứ đại bất an, nhưng không để sự già bệnh làm hệ lụy, thời gian còn lại, Hòa thượng hằng chánh niệm.
Duyên đã mãn, Phật sự viên thành, vào ngày 29 tháng Chạp (Nhuận), năm Đinh Mão (Dương lịch ngày 28/01/1987) vào lúc 06 giờ 20, giữa âm thanh nhẹ nhàng chuyển vận lời kinh Diệu Pháp Liên Hoa trong căn phòng yên tĩnh, Hòa thượng xả báo thân, thuận tịch theo ánh sáng chánh pháp vô trước của Phật Đà, trụ thế 86 năm, 63 hạ lạp.
Tám sáu năm trọn nghĩa tình
Hết lòng Phật pháp quên mình nhân sinh
Lòng từ tỏa ánh quang minh
Đức lưu vạn thế chúng sanh nương nhờ.
Tháp Hòa thượng Thích Huệ Thiện
Suốt cả cuộc đời, từ khi xuất gia hành đạo cho đến ngày viên tịch, Hòa thượng là một tấm gương sáng về phạm hạnh, là người thầy mô phạm hoằng pháp cho Tăng Ni và Phật tử noi theo. Giờ đây, sắc thân của ngài không còn nữa, nhưng đạo hạnh và sự nghiệp giáo dục, hoằng pháp của Hòa thượng mãi còn để lại hương thơm trong lòng môn đồ pháp quyến và Tăng Ni Phật tử.
Nam mô từ Lâm Tế gia phổ tứ thập thế húy Hồng Chí, hiệu thượng Huệ hạ Thiện Trưởng lão Hòa thượng Phương trượng.
Phật Học viện Huệ Nghiêm
Pháp tử Thích Thiện Sỹ
Kính ghi.