
Trích từ sách: Di tích Lịch sử Văn hóa Chùa Phước Điền (Chùa Hang), Núi Sam - Châu Đốc - An Giang.
I. Thân Thế

Hòa thượng THÍCH THIỆN CHƠN (1932 - 1998)
Dòng Lâm Tế Gia Phổ Tứ Thập Nhất Thế
Húy Nhật Năm, Hiệu thượng Thiện hạ Chơn.
- Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang.
- Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Châu Đốc (nay là thành phố Châu Đốc).
- Trụ trì chùa Phước Điền.
Hòa thượng Thích Thiện Chơn, huý Nhựt Năm, thế danh Lương Văn Năm, sinh năm Quý Dậu (1932), tại làng Tân An, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Thân phụ là cụ ông Lương Văn Thâu, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Nguyệt. Hòa thượng là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh chị em.
II. Thời Kỳ Xuất Gia Tu Học

Hòa thượng sinh ra trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, trong thân tộc có hai người cô xuất gia là Sư bà Diệu Tâm và Sư bà Vĩnh Bửu làm giám viện Phật học Ni chùa Huê Lâm, nhân chuyến về thăm quê nhà, nhận thấy Hòa thượng có túc duyên với Phật pháp nên ngỏ ý xin người anh cho Hòa thượng được xuất gia tu học.
Được sự chấp thuận, nhị vị sư Bà đưa Hòa thượng đến chùa Châu Long, thị xã Châu Đốc (nay là thành phố Châu Đốc), đảnh lễ tổ Như Hiếu. Tổ bảo: “Chú này có nhân duyên tu học trên núi, liền kêu Hòa thượng Huệ Thiện đến nhận và đưa về chùa Phước Điền (chùa Hang) Núi Sam”
Duyên lành sẵn có, nhân duyên hội đủ, chốn không môn chùa Phước Điền Hòa thượng thế phát xuất gia với Tổ Huệ Thiện. Vào ngày 19 tháng 9 năm 1944 (lúc đó Hòa thượng 12 tuổi), được Tổ ban cho pháp danh Thiện Chơn.
Sau khi xuất gia, Hòa thượng chuyên tâm tu học, năm 15 tuổi thọ Sa di giới, đến năm 20 tuổi đăng đàn thọ giới cụ túc. Hòa thượng làm thị giả cho Bổn sư và chuyên tu Khổ hạnh, ăn những thức ăn không ai ăn, làm những việc không ai làm, thường luôn ngồi Thiền, có một thời gian giữ trách nhiệm Hương đăng.
Hòa thượng thực hành pháp tu mật hạnh, với việc tu đơn giản chỉ là thời khóa công phu tu tập đầy đủ. Cuộc sống thường nhật thanh bạch cốt cách, luôn giản dị trong tấm áo nâu sòng đã bạc màu theo năm tháng. Cả đời xuất gia tu đạo chưa khi nào tự may cho mình một bộ đồ mới hay mua những vật dụng trang trí cho tự thân mà tất cả vật dụng đều do tín thí phát tâm.
Hòa thượng luôn là bậc mực thước cho hàng Tứ chúng Thiền gia noi theo. Đối với tự thân thường khắc kỷ, đối với người thì rộng lượng bao dung, chan hòa nhã nhặn, từ bi tiếp vật, mẫn niệm độ sinh, luôn làm nhiều hơn nói, khiêm nhường nhẫn nại, lấy việc tu làm yếu vụ, việc sinh tử làm trọng, việc độ sinh là cốt yếu.
III. Thời Kỳ Phục Vụ Đạo Pháp
Năm 1986 Hòa thượng ân sư viên tịch, thể theo di chúc Hòa thượng tiếp ngọn đuốc tuệ nhận trách nhiệm trụ trì chùa Phước Điền.
Năm 1990 đến 1993, Hòa thượng là một trong sáu vị trong ban vận động thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang.
Đại hội Phật giáo tỉnh An Giang nhiệm kỳ I, 1993 - 1997 Hòa thượng được suy cử làm phó trưởng trị sự GHPG VN tỉnh, kiêm chánh đại diện Phật giáo Châu Đốc.
Đại hội Phật giáo tỉnh An Giang nhiệm kỳ II, 1997 - 2002, Hòa thượng tiếp tục được suy cử làm phó trưởng trị sự GHPG VN tỉnh, kiêm chánh đại diện Phật giáo Châu Đốc.
Cuộc đời của Hòa thượng là một tấm gương sáng về giới hạnh, Ngài còn là người huynh trưởng của tông môn chùa Phước Điền, với tính điềm đạm và đức nhẫn nại của một bậc thực học, chơn tu khả kính, Hòa thượng để lại cảm tình đặc biệt trong lòng mọi người.
IV. Thời Kỳ Viên Tịch

Tháp Hòa thượng Thích Thiện Chơn
Những tưởng trên bước đường phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sinh, trang nghiêm Giáo hội, còn thác tích lâu hơn nữa. Nào ngờ lúc 2 giờ 30 ngày 06 tháng 08 năm Mậu Dần, Hòa thượng đã thuận lý vô thường, thúc thân an nhiên viên tịch trụ thế 66 năm, hạ lạp 46 năm.
Thế là Hòa thượng đã từ bỏ huyễn thân, trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn lưu lại thế gian, trong tâm tư ký ức Tăng Ni và Phật tử.
Thật là một sự mất mát to lớn cho Môn đồ pháp quyến cũng như Phật giáo An Giang.
Nam Mô Từ Lâm Tế Gia Phổ Tứ Thập Nhất Thế húy Nhật Năm, hiệu thượng Thiện hạ Chơn, Lương công hòa thượng.